Kết quả Chiến_dịch_phản_công_Salsk-Rostov

Kết quả lớn nhất của chiến dịch phản công Salsk-Rostov mà quân đội Liên Xô đạt được là thu hồi thành phố Rostov, một trong các thành phố quan trọng ở miền Nam Nga, cửa ngõ của khu vực Kavkaz. Cùng với Rostov là toàn bộ mạng lưới đường sắt vùng nam Donets từ Stalingrad đi Rostov, từ Rostov lên phía bắc qua các đầu mối giao thông Sverdlovsk, Likhovskoye và toàn bộ tuyến đường thủy ở hạ lưu sông Đông cũng đã được thu hồi. Hệ thống giao thông này đã nối liền và hợp nhất toàn bộ tuyến đường sắt dọc bờ tây sông Đông và sông Bắc Donets từ Moskva xuống phía nam, trừ các khu vực OryolKharkov vẫn còn tạm thời nằm trong vùng quân Đức chiếm đóng. Mặc dù việc khôi phục kéo dài khoảng 3 đến 4 tháng nhưng mạng lưới đường sắt này đã tạo điều kiện thuận lợi cho quân đội Liên Xô có thể cơ động lực lượng ở cánh Nam của mặt trận Xô-Đức, tạo những cơ sở thuận lợi cho cuộc phản công mùa thu năm 1943 trên mặt trận Nam Ukraina.[15]

Tuy nhiên, mục đích chiến dịch cao nhất của quân đội Liên Xô là cô lập Cụm tập đoàn quân A (Đức) ở Bắc Kavkaz đã không thực hiện được. Không có một bằng chứng nào cho thấy ý đồ này của quân đội Liên Xô bị quân đội Đức Quốc xã phát hiện do các hoạt động tình báo.[16] Ngay từ khi Adolf Hitler tách Cụm tập đoàn quân Nam là đội và điều Cụm tập đoàn quân A vào Bắc Kavkaz, nhiều tướng lĩnh Đức đã cảm thấy sự phiêu lưu và bất ổn cho hai hành động quân sự trên hai hướng gần như tách rời nhau như vậy. Cuối cùng thì việc phải đến đã đến. Khi không những không còn đủ lực lượng để tiếp tục tấn công ở Bắc Kavkaz mà cũng không còn đủ lực lượng để cứu Tập đoàn quân 6 (Đức) bị vây hãm tại Stalingrad thì Bộ chỉ huy tối cao quân đội Đức Quốc xã buộc phải lựa chọn một trong 2 mục tiêu cần giữ lại: Tập đoàn quân 6 hoặc Cụm tập đoàn quân A. Sự thất bại của chiến dịch Bão Mùa đông cho thấy không những quân đội Đức Quốc xã không đủ lực lượng để cùng lúc làm hai nhiệm vụ giải cứu mà còn là sự báo hiệu những nguy cơ mới cho quân đội Đức Quốc xã trên cánh Nam của mặt trận Xô-Đức. Không đợi đến khi Tập đoàn quân 6 hoàn toàn bị tan rã, bị tiêu diệt và bị bắt làm tù binh, Bộ Tổng tư lệnh quân đội Đức Quốc xã đã có kế hoạch rút quân khỏi Bắc Kavkaz bất chấp chỉ lệnh của Hitler cấm rút quân. Khác với những lần trách phạt các tướng lĩnh về việc rút quân trước đó ở Moskva, lần này, Adolf Hitler buộc phải đồng ý.[11]